Trải qua nghìn năm giữ nước và dựng nước, nông nghiệp Việt Nam vẫn có vị trí then chốt, được Đảng và Nhà nước quan tâm thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, phấn đấu thi đua thay đổi theo định hướng mới để phát huy tối đa nguồn lực đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, khắc phục những khó khăn tồn đọng nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid19 ảnh hưởng toàn cầu.
Là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên và khí hậu tiêu biểu của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, có hai mùa rõ rệt. Tại đây mạng lưới sông ngòi dày đặc và những vùng đồng bằng màu mỡ, rộng lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây lúa nước.
Từ thời xưa đến nay, làm nông nghiệp đã trở thành một nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, quanh năm người nông dân làm bạn với ruộng đồng. Bất kể khi nông nhàn hay bận rộn mùa vụ, cha ông với tinh thần yêu quê hương đất nước đã gửi vào câu ca, tiếng hát những kinh nghiệm sản xuất và làm ăn được đúc kết qua nhiều thế hệ về cây trồng, vật nuôi, về mùa vụ, thời tiết, về hoàn cảnh sản xuất và vị trí của nông nghiệp ở nước ta.
Tuy chỉ truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ người này qua người khác nhưng những câu ca dao, tục ngữ về văn hóa sản xuất nông nghiệp đã có những đúc kết xác đáng và được khoa học ngày nay kiểm nghiệm tính đúng đắn.
Sau đây là những câu ca dao, tục ngữ về nông nghiệp mời bạn đọc cùng đọc và đóng góp nhé.
Mục lục chính
Về đất đai, cày bừa
“Đất màu trồng đậu trồng ngô
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn”;
“Cày ải hơn rải phân”;
“Cày gãi bừa chùi lúa thui bông lép, cày sâu bừa kép lúa đẹp bông sây”;
“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang.
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”;
“Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau”;
“Hòn đất nỏ là một giỏ phân”;
“Khoai đất lạ, mạ đất quen”;
Về kỹ thuật canh tác
“Chắc rễ bền cây”;
“Cấy thưa hơn bừa kĩ”.
“Phân tro không bằng no nước”;
“Muốn no thì phải chăm làm.
Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”;
“Đom đóm bay ra, trồng cà tra đỗ,
Tua rua bằng mặt, cất bát cơm chăm”;
“Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”;
“Dưa gang một, chạp thì trồng
Chiêm cấy trước tết thì lòng đỡ lo”;
“Ải thâm không bằng dầm ngấu”;
“Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”;
“Được mùa lúa, úa mùa cau.
Được mùa cau, đau mùa lúa”;
“Trâu ra, mạ vào”;
“Lúa chiêm đào sâu chôn chặt.
Lúa mùa vừa đặt vừa đi”;
“Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn”;
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”;
“Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”.
“Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”.
“Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn’’;
“Có thực mới vực được đạo”;
“Nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”;
“Làm ruộng thì ra.
Làm nhà thì tốn”;
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”;
Về thời tiết
“Nắng sớm trồng cà
Mưa sớm ở nhà phơi thóc”;
“Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”;
“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ,
Hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên”;
“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng”;
“Lạy trời mưa thuận gió hoà
Để cho chiêm tốt, mùa tươi em mừng
Ngô khoai chẳng được thì đừng
Có nếp có tẻ trông chừng có ăn”;
“Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu…”
“Trời mưa dông được đồng lúa trổ”;
“Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”;
“Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa”;
“Kiến đen tha trứng lên cao
Thế nào cũng có mưa rào rất to”;
“Mưa tháng ba hoa đất. Mưa tháng tư hư đất”;
“Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm”;
“Mặt trời có quầng thì hạn, mặt trăng có tán thì bão”;
“Chóp chài đội mũ, mây phủ đá bia
Ếch nhái kêu lia, trời mưa như trút”;
“Mồng chín tháng chín có mưa,
Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn.
Mồng chín tháng chín không mưa,
Thì con bán cả cày bừa đi buôn”;
“Én bay thấp mưa ngập bờ ao.
Én bay cao mưa rào lại tạnh”;
“Sáng sủa được tằm. Tối tăm được lúa”;
“Đông sao thì nắng. Vắng sao thì mưa”.
Về mùa vụ
“Cấy tháng chạp, đạp không đổ”;
“Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa, ngày ngày siêng năng.
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa, ta ăn đầy nhà”.
“Tháng sáu mà cấy mạ già
Thà rằng công cấy ở nhà ẵm con
Tháng chạp mà cấy mạ non
Thà rằng công cấy ẵm con ở nhà”;
“Tháng sáu thì cấy cho sâu
Tháng chạp cấy nhảy mau mau mà về”;
“Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng…”;
“Bao giờ cho đến tháng hai.
Con gái làm cỏ, con trai be bờ”;
“Muốn ăn lúa chiêm xem trăng rằm tháng tám”;
“Muốn ăn lúa dé, xem trăng rằm tháng giêng”;
“Muốn ăn lúa tháng mười, trông trăng mồng tám tháng tư”;
“Thiếu tháng hai mất cà,
Thiếu tháng ba mất đỗ,
Thiếu tháng tám mất hoa ngư,
Thiếu tháng tư mất hoa cốc”;
“Tháng giêng trồng trúc, tháng lục trồng tiêu”.
“Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân”;
“Tỏ trăng mười bốn được tằm
Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”;
“Tháng bảy mưa gãy cành tràm
Tháng tám nắng rám trái bưởi”;
“Trăng mờ tốt lúa nỏ. Trăng tỏ tốt lúa sâu;
“Trăng quầng thì hạn. Trăng tán thì mưa”;
“Được mùa chê cơm hẩm.
Mất mùa lẫm cơm thiu”.
Về các loại cây trồng
“Trồng trầu đắp nấm cho cao
Che cho sương nắng khỏi vào gốc cây;
Nửa năm bén rễ bén dây
Khôn dầu bã đậu bón tay cho liền”;
“Chuối sau cau trước”;
“Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”;
“Khoai bén tay, sắn bay bụi”;
“Được mùa chớ phụ ngô khoai.
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”;
“Làm ruộng ăn cơm nằm.
Chăn tằm ăn cơm đứng”;
“Làm ruộng ba năm.
Chăn tằm ba lứa”;
“Gió heo may, đường leo lên ngọn”;
“Thứ nhất canh trì. Thứ nhì canh viên. Thứ ba canh điền”;
“Lúa chiêm ăn nhánh. Lúa mùa ăn cây”;
“Chiêm bóc vỏ, mùa xỏ tay”;
“Đói thì ăn ráy, ăn khoai.
Chớ thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng”;
“Chiêm cập cội, mùa đợi nhau’;
Về tình yêu đôi lứa
“Hỡi cô tát nước bên đàng.
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”;
“Nắng lên cho lúa chín vàng.
Cho anh đi gặt, cho nàng đưa cơm”;
“Hạt thóc vàng, cây lúa cũng vàng.
Anh yêu em, bác mẹ họ hàng cũng yêu”;
“Tay mang bó mạ xuống đồng.
Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai”;
“Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em giâm ké dây trầu một bên
Chừng nào trầu nọ bén lên
Cau kia ra trái lập nên cửa nhà”.
Trên đây là những câu ca dao, tục ngữ chủ đề về nông nghiệp được người đi trước đúc kết lại từ kinh nghiệm thực tế. Mặc dù khoa học nông nghiệp ngày càng phát triển, kỹ thuật canh tác đã thay đổi rất nhiều, nhưng những kinh nghiệm mà cha ông ta truyền lại vẫn có tính ứng dụng cao.
Hy vọng những câu ca dao, tục ngữ trên sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong đời sống sản xuất nông nghiệp. Mọi câu chuyện đều có một khởi đầu, với VN Organi Farm, chúng tôi bắt đầu câu chuyện của mình từ một khao khát vươn lên mang tên: ‘Vì Nông Nghiệp Việt Nam’’.