Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng

Cây trồng nhận được chất dinh dưỡng trực tiếp thông qua đất trồng và phân bón. Việc lạm dụng phân hoá học trong nông nghiệp để lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng nông sản, sức khoẻ con người cùng với đó là ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Tuy nhiên, sự ra đời của phân bón hữu cơ là giải pháp lý tưởng nhất để cải thiện tất cả những rủi ro trên. Hãy cùng Organi Farm tìm hiểu những loại phân bón hữu cơ thông dụng nhất nhé! 

Mục lục chính

Phân bón hữu cơ là gì?

Phân bón hữu cơ là những loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng những hợp chất hữu cơ. Chúng có nguồn gốc từ chất thải trong chăn nuôi, tàn dư thực vật trong sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản.

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng
Hình ảnh: Phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, chất hữu cơ và các loại vi sinh vật.

Các loại phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ được chia thành 2 nhóm chính:

– Phân bón hữu cơ truyền thống như: phân chuồng, phân xanh, phân rác, phân trùn quế,…

– Phân bón hữu cơ công nghiệp như: phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hữu cơ khoáng.

Phân bón hữu cơ truyền thống

Phân bón hữu cơ truyền thống có nguồn gốc từ phân gia cầm, gia súc, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông – lâm – thủy sản, rác thải, phân xanh được chế biến bằng các kỹ thuật ủ truyền thống. Những loại phân bón hữu cơ truyền thống nhìn chung thường có hiệu lực chậm, thời gian xử lý dài và hàm lượng dinh dưỡng thấp.

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng
Hình ảnh: Phân hữu cơ truyền thống

Phân chuồng

Phân chuồng có nguồn gốc từ phân, nước tiểu động vật (phân gia cầm, gia súc, phân bắc). Được chế biến bằng các phương pháp ủ phân truyền thống.

Ưu điểm:

– Chứa dinh dưỡng khoáng đa – trung – vi lượng cung cấp cho cây trồng và đất.

– Đây là nguồn dinh dưỡng giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp, ổn định kết cấu đất nhằm tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh mẽ, hạn chế xói mòn cũng như tình trạng hạn hán.

Nhược điểm:

Hàm lượng dinh dưỡng thấp.

– Nếu không xử lý đúng kỹ thuật sẽ tiềm ẩn các nguy cơ hình thành mầm mống gây bệnh ảnh hưởng đến cây trồng thậm chí là sức khỏe người sử dụng.

Phân xanh

Phân xanh được gọi chung các cây hay lá cây tươi được chế biến bằng cách ủ hoặc vùi xuống đất để bón cho cây trồng và tăng độ phù nhiêu cho đất.

Ưu điểm: Bảo vệ, cải tạo đất đai và hạn chế xói mòn.

Nhược điểm: Loại phân bón này có tác dụng khá chậm và thường chỉ dùng để bón lót. Bên cạnh đó, chúng còn gây phát thải khí nhà kính.

Phân rác

Là những loại phân chế biến bằng biện pháp ủ truyền thống từ rơm rạ, thân cây, lá cây từ sản xuất nông nghiệp.

Ưu điểm: Tăng độ tơi xốp, ổn định kết cấu đất, hạn chế xói mòn và chống hạn cho cây trồng.

Nhược điểm

Hàm lượng dinh dưỡng thấp, cách chế biến phức tạp trong thời gian dài.

– Có thể mang những mầm bệnh hoặc hạt cỏ dại sẵn có trong nguồn nguyên liệu nếu không được xử lý đúng kỹ thuật.

Than bùn

Than bùn không bón trực tiếp mà phải qua chế biến mới sử dụng được cho cây trồng.

Ưu điểm: Than bùn có công dụng tốt trong việc bón cải tạo, tăng độ phì nhiêu cũng như hữu cơ cho đất.

Nhược điểm: Hàm lượng dinh dưỡng thấp, quá trình chế biến phức tạp nên phải bón với khối lượng lớn vừa tốn công tốn sức vừa tốn chi phí.

Phân trùn quế

Phân trùn quế là loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên với quá trình sản xuất gọi là ủ sâu (worm composting) và có thể thực hiện với quy mô nhỏ để rác thải hữu cơ tại các gia đình như rau củ trái cây thừa đều được xử lý và đưa vào sử dụng một cách có mục đích 

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng
Hình ảnh: Phân trùn quế

Ưu điểm:

– Hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa đầy đủ dinh dưỡng đa – trung – vi lượng.

– Chứa các acid hữu cơ, IAA,… giúp tăng độ màu mở, tơi xốp của đất trồng.

– Chứa hệ vi sinh vật đa dạng giúp chuyển đổi các dinh dưỡng khó hấp thụ thành dạng dễ hấp thụ.

– Tăng cường sức đề kháng cho cây trồng trước mầm bệnh và các tác nhân bất lợi của môi trường.

– An toàn cho con người, cây trồng và sinh vật có ích.

Phân bón hữu cơ chế biến theo quy trình công nghiệp

Là những loại phân bón hữu cơ được chế biến từ các chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau theo quy trình công nghiệp với khối lượng lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra loại phân bón có chất lượng tốt hơn, đầy đủ dưỡng chất so với nguyên liệu đầu vào và các loại phân bón hữu cơ truyền thống.

Phân bón vi sinh

Là phân trong thành phần có chứa từ một hoặc nhiều loại vi sinh vật hữu ích gồm nhiều nhóm : vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật ký sinh, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật phân hủy xenlulo,…

Ưu điểm:

– Thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của hệ vi sinh vật đất. 

– Phân giải các chất dinh dưỡng khó hấp thụ thành dạng dễ hấp thụ cho cây trồng.

– Tổng hợp một số dưỡng chất nuôi cây trồng mà chủ yếu là đạm (N).

– Khống chế các mầm bệnh tồn tại trong đất và nâng cao hiệu quả hấp thụ phân bón cho cây trồng.

Nhược điểm: Phân bón vi sinh chỉ thích hợp với một số loại cây trồng nhất định và đòi hỏi phải bổ sung phân hữu cơ để làm thức ăn cho vi sinh vật.

Phân bón hữu cơ sinh học

Là phân bón chế biến từ các loại nguyên liệu hữu cơ được pha trộn, xử lý bằng cách lên men với sự góp mặt từ một hoặc nhiều loại vi sinh vật có lợi giúp tăng và cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Trong phân bón có trên 22% thành phần là các chất hữu cơ.

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng
Hình ảnh: Phân bón hữu cơ sinh học

Ưu điểm:

– Dùng được trong tất cả các giai đoạn của cây trồng: bón lót, bón thúc, bón nuôi hoa, quả,…

– Cung cấp thường xuyên, cân đối các chất dinh dưỡng khoáng cần thiết cho cây trồng.

– Bổ sung các loại acid hữu cơ, hệ vi sinh vật đa dạng … giúp cải tạo đất.

– Hỗ trợ cây trồng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh đồng thời tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Phân bón hữu cơ vi sinh

Là  phân bón chế biến theo quy trình công nghiệp từ nhiều nguồn nguyên liệu hữu cơ khác nhau, được xử lý lên men với từ một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có lợi, chứa các bào tử sống. Có thành phần hàm lượng các chất hữu cơ trên 15%.

Ưu điểm:

– Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng khoáng, đa, trung và vi lượng cho cây trồng.

– Giúp cải tạo độ phì nhiêu và tơi xốp của đất.

– Cung cấp hệ vi sinh vật đa dạng giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành dạng dễ hấp thụ và tăng sức đề kháng cho cây trồng.

– Thân thiện với môi trường, không độc hại với con người và sinh vật có ích.

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng
Hình ảnh: Phân bón hữu cơ vi sinh

Nhược điểm: Hàm lượng hữu cơ có trong phân bón này thấp hơn phân hữu cơ sinh học.

Phân bón hữu cơ khoáng

Là phân bón phân hữu cơ, được phối trộn thêm các nguyên tố khoáng vô cơ gồm N,P,K. Có chứa trên 15% thành phần là các chất hữu cơ, từ 8-18%  tổng số các chất vô cơ (hóa học, N+P+K).

Ưu điểm: Có hàm lượng các chất dinh dưỡng khoáng cao.

Nhược điểm: Sử dụng trong thời gian dài sẽ không tốt cho đất.

Tổng hợp những loại phân bón hữu cơ thông dụng
Hình ảnh: Chăm sóc rau sạch bằng phân bón hữu cơ khoáng

Các loại phân bón hữu cơ xuất hiện ngày càng phổ biến cùng với sự phát triển của hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ. 

Mỗi loại phân bón đều có những ưu – nhược điểm riêng, do đó người nông dân cần cân nhắc lựa chọn loại phân bón thích hợp cho cây trồng của mình. Đồng thời cũng phải phù hợp với điều kiện môi trường cũng như điều kiện kinh tế.

Như vậy, để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thì phân bón hữu cơ luôn là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Hy vọng sau bài viết mà Organi Farm vừa chia sẻ, bạn sẽ có cho mình thêm thật nhiều những thông tin bổ ích. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *