Organic – Thực phẩm hữu cơ, cái tên nghe qua thì có vẻ quen thuộc đối với những người tiêu dùng quan tâm đến những loại thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên để hiểu rõ về Organic thế nào cho đúng thì bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của Organi Farm.
Mục lục chính
Hiểu đơn giản về Organic theo định nghĩa khoa học
Thực phẩm hữu cơ được hiểu là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Những tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ này luôn hướng đến cân bằng sinh thái nhằm thúc đẩy nuôi trồng, bảo tồn đa dạng sinh học. Và ở mỗi quốc gia thì tiêu chuẩn này lại được quy định khác nhau.
Điểm để phân biệt sản phẩm hữu cơ với các loại thực phẩm khác đó là việc sử dụng một số loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón tổng hợp,… phải có trong danh mục cho phép và không được phép xử lý bằng chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp.
Nói một cách khác, cây lương thực, thực phẩm trồng hữu cơ phải được trồng mà không sử dụng hóa chất tổng hợp, biến đổi gen, phân bón hóa học hay dùng nước thải, bùn cống để tưới. Còn trong chăn nuôi hữu cơ để lấy thịt, trứng, sữa,… thì gia súc gia cầm phải được đảm bảo chăn thả ngoài trời và ăn bằng thức ăn hữu cơ, không được sử dụng các loại thuốc kháng sinh hay hormone tăng trưởng.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung đối với sản phẩm hữu cơ về sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển.
Tiêu chuẩn hữu cơ đối với từng loại thực phẩm
Tiêu chuẩn hữu cơ được áp dụng đối với tất cả các quá trình trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Trong đó:
Trồng trọt hữu cơ
Cây trồng để đạt được tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện như sau:
Về đất canh tác
Đất trồng hữu cơ phải đáp ứng các quy định về giới hạn kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đất phải được xử lý, cải tạo thường xuyên để tăng cường bồi dưỡng chất dinh dưỡng, không được sử dụng các vật liệu cấm trong ít nhất 3 năm trước khi canh tác và phải có ranh giới xác định ngăn ngừa tiếp xúc với các chất bị cấm ở vùng đất liền kề.
Không được đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng trong quá trình làm đất để tránh gây ô nhiễm đất. Trừ trường hợp tàn dư cây trồng bị sinh vật gây hại phải thu gom và tiêu hủy. Bên cạnh đó áp dụng các biện pháp canh tác nhằm chống thoái hóa, xói mòn, xâm nhập mặn và các rủi ro liên quan khác.
Hạt giống
Thực phẩm hữu cơ ngay từ khâu lựa chọn hạt giống đã phải chính xác. Hạt giống được sử dụng phải khỏe, sạch bệnh và không ngâm với những chất cấm.
Vấn đề sâu bệnh
Các vấn đề dịch bệnh, sâu gây hại cây trồng hữu cơ phải được kiểm soát bằng phương pháp cơ học và vật lý như sử dụng thiên địch như chim, côn trùng, các loại cây hoa có mùi,… để tiêu diệt, xua đuổi các con vật gây hại, các loại chế phẩm sinh học từ tỏi, rượu, gừng,…
Ngoài ra các biện pháp vật lý như dùng tay bắt sâu bọ, ngắt bỏ thân lá bị bệnh, ngắt bỏ ổ trứng, đào hang bắt chuột hay dùng bẫy như bẫy dính, bẫy đèn để tiêu diệt côn trùng cũng được áp dụng.
Cỏ dại
Đối với cây trồng, những gì người nông dân đưa vào đất có tác động trực tiếp đến những gì họ sẽ nhận lại từ nó. Đó là lý do tại sao họ lại tự tay làm cỏ, trồng cây che phủ, luân canh, bón phân hữu cơ,… chứ không phải là dùng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trực tiếp lên cỏ, cây trồng.
Chăn nuôi hữu cơ
Động vật, gia súc, gia cầm chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ cần tuân thủ những điều kiện như sau:
– Vật nuôi được chăm nuôi bằng 100% thức ăn hữu cơ, kể cả thức ăn trong thời kỳ chuyển đổi.
– Sử dụng tỷ lệ thức ăn chứa thành phần hữu cơ không dưới 90% đối với các loài nhai lại và không dưới 80% đối với các loài vật không nhai lại.
– Các loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu, dê, thỏ,… phải được cho ăn thức ăn thô ở dạng tươi, dạng khô hoặc dạng ủ chua với lượng không dưới 60% chất khô mỗi ngày.
– Đối với gia súc cho sữa, sử dụng thức ăn thô ở dạng tươi, dạng khô hoặc dạng ủ chua với tỷ lệ không dưới 50% chất khô mỗi ngày.
– Gia súc nhai lại như trâu, bò, cừu, dê không nên chỉ cho ăn duy nhất loại thức ăn ủ chua.
– Gia cầm trong giai đoạn vỗ béo cần cung cấp chủ yếu từ các loại hạt ngũ cốc.
– Được phép phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe động vật bằng cách sử dụng vaccine nhưng phải theo quy định.
– Phân động vật phải được quản lý tốt để ngăn chặn ô nhiễm đối với các loại cây trồng, đất, nước và để tối ưu hóa cho việc tái chế lại.
Trong chăn nuôi hữu cơ, các loài động vật được sống dung hòa với thiên nhiên, được chăm sóc và phát triển tự nhiên nhất có thể. Và đặc biệt là sự an toàn của động vật luôn được người chăn nuôi ưu tiên hàng đầu.
Các nhãn sản phẩm Organic
Tất cả các sản phẩm hữu cơ khi đến tay người tiêu dùng đều được đóng dấu và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên mỗi quốc gia thế giới đều có những chứng nhận hữu cơ riêng.
Là một người tiêu dùng thông minh, bạn nên biết những nhãn hiệu dán trên thực phẩm hữu cơ như để tránh sự nhầm lẫn và có sự lựa chọn thực phẩm thật đúng đắn.
– Nhãn “100% organic”: Loại thực phẩm hữu cơ hoàn toàn có 100% thành phần hữu cơ.
– Nhãn “Organic”: Loại thực phẩm chứa ít nhất 95% hoặc nhiều hơn các thành phần hữu cơ.
– Nhãn “made with organic ingredient”: Thực phẩm chứa ít nhất 70% thành phần hữu cơ và 30% còn lại nằm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt bao gồm không có sinh vật biến đổi gen.
– Nhãn “some organic ingredient”: Sản phẩm chứa ít hơn 70% thành phần theo quy định hữu cơ.
Từ những chia sẻ trên đây, hy vọng người tiêu dùng đã nắm được một số thông tin cơ bản về tiêu chuẩn hữu cơ Organic. Để cập nhập thêm nhiều bài viết về chủ đề này, độc giả tiếp tục theo dõi trong phần tin tức nhé!
- Áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ đối với cây ăn quả có múi
- Cùng tìm hiểu về Organic – Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ
- Các loại cây trồng tự nhiên giúp cải tạo đất hiệu quả
- Sâu vẽ bùa và biện pháp phòng trừ sâu vẽ bùa trên cây có múi
- Cách làm nông không hóa chất của 3 ông lão Nhật nổi tiếng thế giới