Cây có múi là loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, có diện tích trồng rất lớn ở nước ta. Đây cũng là nhóm cây trồng có nhiều sâu bệnh hại nhất. Trong đó một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây là sâu vẽ bùa.
Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistis citrella Stainton, thuộc họ Phyllocnistidae, bộ Lepidoptera. Chúng gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, đặc biệt nhiều vào tháng 7, 8, 9. Mức độ gây hại thường phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu.
Mục lục chính
Đặc điểm hình thái và sinh thái
Đặc điểm hình thái
Trứng của sâu hình bầu dục, kích thước từ 0.3-0.4mm, có màu trong suốt. Chỉ khi đến lúc gần nở thì trứng có màu trắng vàng.
Ấu trùng sâu vẽ bùa thân dẹt, không có chân. Các ấu trùng mới nở trong suốt dài khoảng 0.5mm. Khi chúng đẫy sức chiều dài khoảng 4mm và có màu vàng.
Nhộng có dạng hình thoi, màu vàng nhạt hoặc nâu đậm dài khoảng từ 2-2.5mm, hai bên thân mỗi đốt có một u lồi.
Sâu trưởng thành có kích thước nhỏ, thân dài từ 2-3mm. Toàn cơ thể chúng có màu vàng nhạt pha màu trắng bạc. Cánh trước dài có hình lá liễu, lông viền ở mép cánh màu tro. Cánh sau nhỏ dạng hình kim, có lông phía mép cánh màu xám đen.
Đặc điểm sinh thái
Vòng đời của sâu vẽ bùa trung bình từ 19-38 ngày. Sâu trưởng thuộc một loại ngài, ngày ẩn nấp phía mặt dưới của lá và hoạt động buổi chiều tối. Sâu thường đẻ mặt dưới lá, thường nằm ở hai bên gân chính. Trong vòng 2-30 ngày, một con sâu trưởng thành có thể đẻ trung bình từ 70-80 quả trứng.
Ấu trùng mới nở ra sẽ chui vào lớp biểu bì để ăn phần mô mềm (tế bào nhu mô diệp lục) phía trong lá. Đường đục của sâu vẽ bùa khá dài, có kích thước tăng dần theo độ lớn của ấu trùng.
Chúng đẫy sức sẽ đục ra phía mép lá, hoá nhộng tại mép gần gân lá bằng cách dùng tơ gấp lại che tổ kén.
Tác hại của sâu vẽ bùa
Tuy sâu vẽ bùa gây hại quanh năm nhưng lại tập trung gây hại mạnh vào tháng 7, 8, 9. Bởi thời điểm này cây ra đọt non nhiều, có nguồn thức ăn dồi dào. Điều kiện thuận lợi để sâu gây hại thường là nhiệt độ từ 23-29°C, độ ẩm từ 85-90%.
Sâu thường gây hại trên các chồi và lá non. Ngay khi lá non vừa ra, ấu trùng sâu mới nở đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm, ăn đến đâu biểu bì lá phồng đến đấy tạo thành một đường hầm ngoằn ngoèo.
Ấu trùng ăn và thải phân ngay phía sau tạo thành một đường liên tục giống như sợi chỉ nằm chính giữa và kéo dài theo đường đục của ấu trùng. Lớp biểu bì có thể bị bong ra hoặc giống như nhầy ốc sên, tạo điều kiện cho vi khuẩn xanthomonas campestris phát sinh và gây hại, dẫn đến bệnh loét lá (còn được gọi là loét vi khuẩn).
Những lá bị sâu vẽ bùa gây hại bị co lại, quăn queo, biến dạng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của chồi non. Quá trình quang hợp của lá còn ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây trồng.
Ở giai đoạn cây con, nếu bị gây hại thường xuyên cây sẽ còi cọc, kém phát triển, có tán nhỏ hơn bình thường.
Cây đang trong giai đoạn cho quả, nếu bị sâu gây hại quả sẽ sần sùi làm giảm giá trị thương phẩm, trường hợp nặng quả có thể bị rụng.
Các biện pháp phòng trừ sâu vẽ bùa trên cây có múi
- Thường xuyên quan sát theo dõi thăm vườn bảo vệ các đợt đọt non, phát hiện sâu bệnh kịp thời để có hướng giải quyết.
- Trường hợp cây bị sâu gây hại nặng, tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các cành lá, chồi non và đem đi tiêu hủy.
- Trước mỗi đợt ra lộc non cần phun phòng cho cây bằng các chế phẩm trừ sâu sinh học như BT (Bacillus Thuringiensis).
- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, bón thúc, tạo tán cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hủy của sâu.
- Bón đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ, phân bón lá, phân trung vi lượng để giúp nâng cao sức đề kháng cho cây trồng, để cây phát triển tốt lá to, lớp biểu bì dày khiến sâu non khó xâm nhập lá, hạn chế gây hại.
- Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, các loại ong ký sinh thuộc họ Chalcidoidea và Ichneumonidea.
Nếu bạn cần hỗ trợ về cách xử lý sâu vẽ bùa và sản phẩm hỗ trợ hãy để lại thông tin dưới đây. Đội ngũ của chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn ngay!